“Xin cảm ơn khi được làm việc cùng ông và cảm ơn những gì ông đã làm cho CLB … Tôi mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông dù ông có đi bất cứ nơi đâu, người mà tôi yêu quý! Mãi mãi là Sevilla Football Club!”

Xem them: huong dan ca do tren mang

Đó là những gì mà Dani Alves – cầu thủ mới đây đã tỏa sáng và lọt vào trận chung kết Champions League cùng với Juventus – viết trên tài khoản Instagram của mình hơn một tháng trước dành cho người đã chắp cánh cho anh có được ngày hôm nay. Người đàn ông đó không ai khác chính là Ramón Rodríguez Verdejo hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn, Monchi.

Nếu như huấn luyện viên là người quyết định vấn đề chiến thuật trên sân thì với cương vị giám đốc thể thao của mình, Monchi là người đã đề ra đường hướng phát triển, tuyển mộ nhân sự của câu lạc bộ. Và câu chuyện về Monchi là câu chuyện về một người quản lý trẻ tuổi đã chấp nhận ở lại cùng với “con tàu đắm” mang tên Sevilla trong những ngày gian khó để rồi biến họ trở thành một trong những đội bóng thành công hàng đầu châu Âu trong nhiều năm trở lại đây.

ONE-CLUB MAN VÀ CHÀNG THỦ MÔN 10 NĂM SẮM VAI KÉP PHỤ

Nhắc tới một one-club man (cầu thủ chỉ đá duy nhất cho một đội bóng trong suốt sự nghiệp), người ta thường hay nghĩ tới những Franco Baresi, Paolo Maldini, Ryan Giggs,… những cầu thủ thi đấu trong những đội bóng tên tuổi và gặt hái được nhiều thành tựu. Thực tế là trong thế giới bóng đá còn rất nhiều những one-club man khác và vì nhiều lí do mà chúng ta không thể biết, để ý hoặc đôi khi là lãng quên họ. Người đàn ông 48 tuổi mà chúng ta đang nhắc tới đây cũng là một trường hợp như thế.

Monchi sinh ra tại thị trấn San Fernando, thuộc tỉnh Cádiz, xứ Andalusia cách khoảng hai giờ đồng hồ chạy xe tới thành phố Seville. Quãng thời gian tuổi niên thiếu của ông gắn với việc tập luyện và thi đấu trong vai trò thủ môn ở các cấp độ trẻ của học viện bóng đá Sevilla FC, nơi ông đã tạo được đôi chút những ấn tượng với các huấn luyện viên. Mùa giải 1988/1989, Monchi được có tên trong danh sách thi đấu của Sevilla Atlético hay còn gọi là Sevilla B tại giải hạng ba Tây Ban Nha. Phần thưởng đến với chàng trai trẻ trong mùa hè 1990 khi Monchi được chính thức đôn lên đội một Sevilla và tranh tài ở La Liga.

Thế nhưng, nói một cách có phần “tàn nhẫn” thì đó gần như là tất cả những thành tựu đáng chú ý nhất của ông trong sự nghiệp cầu thủ của mình (có chăng đáng chú ý hơn một chút thì là cái danh xưng one-club man kia và việc được Diego Maradona tặng một chiếc đồng hồ hiệu Cartier sau khi huyền thoại Argentina phát hiện ra đồng người đồng đội của mình đeo một chiếc Rolex giả). Đời cầu thủ chẳng ai muốn phải đóng vai kép phụ, một cầu thủ dự bị cả. Với một cầu thủ thi đấu ở những vị trí bình thường đó đã là một điều chẳng lấy gì làm thoải mái, với một thủ môn thì đó càng là một “cực hình” (hãy hỏi José Manuel Pinto hoặc Tom Starke để biết thêm).

Monchi: Soi gia thanh Seville6
Monchi – thủ môn của Sevilla
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Monchi đã không ngần ngại gọi một cách vui vẻ về bản thân suốt quãng thời gian đó là một “con khỉ cuối cùng: thủ môn dự bị 23 tuổi”. Là một người gác đền nhưng Monchi phải đóng vai trò dự bị cho thủ thành số một cho Juan Carlos Unzué, người hiện đang là trợ lý của huấn luyện viên Luis Enrique tại Barcelona. Một câu chuyện đáng chú ý là trong trận đấu ra mắt vào năm 1991, dù đã bị trật khớp ngón tay thế nhưng Monchi nhất quyết vẫn không chịu để bị thay ra vì nghi ngờ vào việc mình không còn có thể xuất hiện trên sân trong một khoảng thời gian nữa.

Sự nghiệp quần đùi áo số của ông khép lại vào năm 1999 ở tuổi 30, chấm dứt quãng thời gian 10 năm khoác áo Sevilla với vị trí “thủ môn dự bị” không còn gì buồn chán hơn. Tổng cộng Monchi chỉ có vỏn vẹn 85 lần được ra sân thi đấu.