21% số người thừa nhận, từng bỏ mặc 2 ngày không động tới bàn chải.

Bốn phút đánh răng, chia làm 2 lần mỗi ngày và tới nha sĩ 6 tháng một lần. Đó là những gì bạn cần làm, nếu muốn có hàm răng khỏe mạnh cho đến tuổi về già. Đáng tiếc, ngày nay vẫn có quá nhiều người không thực hiện nổi 2 điều đơn giản ấy.

Nó khiến cho sâu răng, bệnh nướu rằng và ung thư miệng ngày càng trở nên phổ biến, nha sĩ Judith Jones, phát ngôn của Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ, đồng thời là một giáo sư tại Đại học Boston cho biết.

“Mọi người cứ nghĩ rằng sâu răng chỉ là vấn đề của trẻ em. Nhưng thực tế thì người trưởng thành mắc sâu răng còn nhiều hơn cả lũ trẻ”, Jones nói.

Theo một báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiều người tỏ ra rất chủ quan trong vấn đề răng miệng. Ở Mỹ, mặc dù tỷ lệ ung thư miệng rất cao, thế nhưng, chỉ có khoảng 60% người trưởng thành tới gặp nha sĩ ít nhất một lần trong vòng 1 năm qua.

“Vệ sinh răng miệng thường bị bỏ qua, trong bảng danh sách các tiêu chí quan trọng để đánh giá sức khỏe”, Karen Becerra, giám đốc Trung tâm nha khoa Gary and Mary West Senior cho biết. Và bạn sẽ nhận ra đó là một điều khó chấp nhận, khi biết sức khỏe răng miệng quan trọng đến thế nào:

1. Sức khỏe răng miệng có liên quan với bệnh tim mạch

Một thời gian khá dài trước đây, các bác sĩ đã phải ngạc nhiên khi phát hiện mối liên hệ tưởng chừng rất vô lí này. Thế nhưng, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh nướu răng, hay bệnh nha chu, thực sự có thể dẫn đến những vấn đề tim mạch.

Chẳng hạn như bệnh nướu răng tạo ra tình trạng viêm cấp thấp, kéo dài và thầm lặng. Viêm cấp thấp gây ra, hoặc góp phần vào sự tích tụ mảng bám bên trong động mạch bạn. Từ đó, mặc dù là bệnh nướu răng, nó có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh Alzheimer và một số dạng viêm khớp.

2. Khô miệng đâu phải điều vô hại

Lo lắng, trầm cảm, mất nước hay tác dụng phụ của thuốc… có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến khô miệng. Tưởng chừng là một vấn đề vô hại với chỉ đôi chút khó chịu, khô miệng có thể thúc đẩy nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng như sâu răng, khó nuốt, nhiễm nấm, nứt góc miệng…

Thông thường, nước bọt giúp bạn rửa trôi thức ăn và mảng bám, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Nước bọt cũng góp phần vào quá trình “tái khoáng”, giữ răng chắc và khỏe mạnh, Jones cho biết. Vậy nên, bạn cần chú ý khi miệng mình có dấu hiệu bị khô.

Uống thêm nước có thể giúp đỡ tạm thời, nhưng nếu khô miệng kéo dài, bạn phải tìm được nguyên nhân của nó để khắc phục hoặc chữa trị dứt điểm.

3. Đánh răng thường xuyên, đơn giản nhưng đâu phải ai cũng làm được

Một khảo sát ở Anh cho thấy gần 7 triệu người dân nước này không duy trì được thói quen đánh răng thường xuyên. Trong đó, 21% thừa nhận rằng có những lần họ bỏ mặc 2 ngày không động tới bàn chải. Và đó hẳn không phải là thực trạng của riêng nước Anh.

Nha sĩ Kimberly Harms đến từ Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết, không đánh răng đủ 2 lần trong 24 tiếng đồng hồ sẽ tạo cơ hội cho các vấn đề răng miệng phát sinh. Tưởng chừng đơn giản, đó không phải việc ai cũng có thể làm.

Trong khi người trẻ cần phải có ý thức hơn về thói quen vệ sinh răng miệng, một số trường hợp người lớn tuổi sẽ cần sự giúp đỡ. Một số bệnh như loãng xương, viêm khớp… sẽ khiến người già gặp khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân.

Jones cho biết “Một bàn chải tự động có thể giúp đỡ họ rất nhiều”. Bà cũng lưu ý những người thân trong gia đình khi chăm sóc người lớn tuổi, đừng nghĩ đánh răng là thứ có thể xem nhẹ. Hãy giúp đỡ người già khi họ không có thể tự đánh răng được nữa.

4. Nước súc miệng chứa florua

Có một chai nước súc miệng trong phòng tắm không có nghĩa là bạn không phải đánh răng. Nó sẽ là một lựa chọn bổ sung trong trường hợp sâu răng đe dọa bạn. Nước súc miệng và cả kem đánh răng chứa florua sẽ tạo nên một lá chắn phòng thủ giúp răng bạn được bảo vệ, Jones nói.

Trước đây đã từng có một số lo ngại về florua trong nước sinh hoạt và các sản phẩm thường ngày. Mặc dù vậy, các chuyên gia đã xác nhận đó là những gì đã bị “phóng đại”.

5. Chế độ dinh dưỡng có vai trò thế nào?

Canxi và vitamin D, đó là những gì mà bạn cần quan tâm khi nói đến sức khỏe răng miệng. Thiếu hụt một trong hai chất dinh dưỡng này có thể dẫn đến loãng xương, mà cũng sẽ khiến bạn dễ mất răng hơn khi về già, Jones nói.

Ở một mặt khác, hãy quản lý lượng đường trong chế độ ăn của mình. Đường “đục khoét răng”, bởi nó là thức ăn tăng lực cho vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng. Một khi bạn ăn nhiều đường mà lại không vệ sinh răng miệng tốt, sớm muộn những rắc rối cũng sẽ đến.

6. Đặt lịch hẹn với nha sĩ 6 tháng một lần

Một buổi kiểm tra răng miệng với nha sĩ là các tuyệt vời giúp bạn đẩy lùi các vấn đề răng miệng ngay từ trong trứng nước, Jones nói. Hãy đặt lịch hẹn 6 tháng một lần.

Nha sĩ cũng có chuyên môn trong việc kiểm tra và tầm soát ung thư miệng. Bạn nên nhớ rằng ung thư miệng ngày nay là một bệnh tương đối phổ biến. Những người trong độ tuổi trung niên và ngưỡng 60 có nguy cơ mắc bệnh cao.

7. Nâng cao nhận thức về sức khỏe răng miệng
Cả Jones và Becerra đều nhấn mạnh một mối liên hệ quan trọng giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể. Các chuyên gia cho rằng: “Nhận thức yếu kém về sức khỏe răng miệng đã trở thành một vấn đề của y tế công cộng”.

Nếu không có những chiến lược giáo dục công chúng, sẽ ngày càng có nhiều người phải điều trị bệnh trong các phòng nha khoa và cả phòng khám. Nhiệm vụ này đang đặt lên vai những nhà hoạch định chính sách và làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng.

Xem thêm : sensodyne.com.vn