Thời gian gần đây, với những thay đổi mang tính xu thế rất mạnh mẽ, thị trường MMORPG toàn cầu đang dần nghiêng về mô hình chơi miễn phí (F2P – Free 2 Play). Những tựa MMORPG cũ vốn vận hành kiểu thu phí đang phải dần chuyển sang miễn phí – và ví dụ điển hình nhất chính là Wildstar.

Tuy vậy, chúng ta cần hiểu rõ ràng trong những tựa game “miễn phí” này, không phải đồng nghĩa với việc rẻ hơn game thu phí. Không bằng cách này hay cách khác, nhà phát hành vẫn khiến người chơi phải "ói" tiền ra. Vậy, mô hình nào là ưu việc hơn, bạn đọc hãy cùng Gamenoob.net tìm hiểu nhé!

Phí phụ trội





Trước tiên, tất cả MMORPG đều có những khung giới hạn cụ thể. Chúng có thể cung cấp cho người chơi một phiên bản đầy đủ nội dung và tính năng, nhưng sẽ hạn chế về những thứ như túi hành trang, thời gian chờ hồi sinh, số lượng nhân vật trong tài khoản và những thứ khác – miễn chúng vẫn nằm trong giới hạn “cân bằng” của game.

Một vài tựa game thì “ăn dày” hơn bằng cách cắt xén bớt nội dung game, chẳng hạn như các bản đồ cấp cao, nhiệm vụ, thậm chí là các chức nghiệp đặc biệt. Lý do của việc làm này là để tăng thu nhập cho tựa game – bởi vì không có doanh thu thì game sẽ chết, vì tiền quyên góp không đủ để duy trì một tựa MMORPG sống lâu được.

Thực chất, những hạn chế này đều thuộc về phạm trù các tính năng tiện ích. Người chơi vẫn có thể chơi game dù không trả một xu nào, nhưng chắc chắn họ sẽ có quyền truy cập ít tính năng hơn và thiếu nhiều tiện nghi hơn so với người chơi có nạp tiền. Một trong các giải pháp “tình thế” là chơi nhiều tài khoản cùng lúc, nhưng bản thân nó cũng có những bất tiện chẳng hạn như phải nhớ nhiều ID đăng nhập và mật khẩu, và rất phiền phức khi phải chuyển đồi tài khoản liên tục.

Những ưu đãi đặc biệt





Ngoài những tính năng thuộc về nội dung game được gán với các mức phí khác nhau, cũng có những tính năng tiện ích khác đáng chú ý tới. Điển hình là các ưu đãi như tốc độ tăng EXP (kinh nghiệm) được nhân lên và các tiện ích như hồi sinh tại chỗ, dịch chuyển tức thời… Mặc dù những thứ này không thật sự khiến người chơi này mạnh hơn người chơi khác, nhưng chắc chắn người chơi có nạp tiền sẽ được trải nghiệm nhiều thứ hơn người chơi miễn phí.

Thời giờ là vàng bạc, và do đó, đây là một lợi thế to lớn khi có thể sử dụng 100% tính năng của game với những tiện ích có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian khác. Rõ ràng, đúng là ai cũng có thể chơi game, nhưng những người nạp tiền thì đỡ tốn công sức và thời gian hơn người không nạp khá nhiều.

Biện pháp kiếm lời





Trong các tựa game thu phí định kỳ để chơi, chẳng hạn như Final Fantasy XIV, thì mọi thứ trong game đều được mở rộng với mọi người. Không tồn tại bất kỳ thứ gì mà người chơi phải trả thêm để trải nghiệm game, và nó tạo ra sự cân bằng tuyệt đối. Mô hình này cũng xóa bỏ ranh giới giàu nghèo giữa người chơi – bởi vì ai cũng sở hữu quyền lợi như nhau. Ngoài ra, mỗi khi có các cập nhật hay tính năng mới, game sẽ không bắt người chơi trả thêm chi phí gì.

Trong khi đó, game miễn phí thì lại sống bằng việc bán đồ trong Cash Shop, và mỗi bản cập nhật sẽ xuất hiện thêm các vật phẩm mới để khiến người chơi phải bỏ thêm tiền để trải nghiệm các tính năng mới. Về cơ bản, nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu đó là thúc ép người chơi phải chi tiền ra mua thứ này thứ nọ để “bằng anh bằng em”.

Những con số biết nói





Có khá nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thực chất chỉ có khoảng 2.2% người chơi trong các tựa MMORPG F2P là thực sự tiêu tiền, và chỉ khoảng 10% con số này đóng góp vào một nửa doanh thu của game. Ngoài ra, 2/3 người chơi sẽ nghỉ chỉ trong một ngày sau khi tải và cài đặt game.

Đây là những con số quan trọng để giúp phân biệt rạch ròi giữa game miễn phí và game thu phí. Game thu phí thường phải hứng chịu số người bỏ game sau tháng đầu rất cao, nhưng chúng lại duy trì được chi phí hàng tháng nhờ vào những người chơi trung thành ở lại.

Trái lại, game miễn phí lệ thuộc chủ yếu vào số lượng người chơi cực ít chịu chi tiền trong game – hay còn gọi là “đại gia”. Vài tựa game loại này có mức doanh thu đến hàng trăm triệu USD hàng năm, nhưng xét mặt bằng chung thì hơn 90% người chơi đều khá dè dặt và thậm chí họ cũng chẳng muốn cạnh tranh với người chơi nạp tiền làm gì – bởi vì công thức “Pay 2 Win” (ai nhiều tiền thì thắng” đã quá rõ ràng.