Buôn bán tiền ảo trong game là một hiện tượng khá bình thường trong các tựa game online, đặc biệt là MMORPG. Gần như trong mọi tựa game chúng ta đều dễ dàng thấy các mẩu rao mua/ bán tiền ảo bằng tiền thật.

Nhiều tựa game đã có nỗ lực để hạn chế hoặc ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này, nhưng hậu quả của nó thật sự rất kinh khủng – đến mức có thể đánh sập cả một tựa game đầy tiềm năng. Dù vậy, rất nhiều người chơi không nhận ra được những hệ lụy nguy hiểm mà việc bán tiền ảo gây ra, mà lầm tưởng rằng đó là do game được thiết kế như vậy.

Gamenoob.net xin được phép phân tích rõ về khái niệm này để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn bản chất của mua bán tiền ảo và hệ lụy của nó gây ra cho nền kinh tế của một tựa MMORPG đáng sợ ra sao qua bài viết sau.

Lạm phát tiền ảo





Nếu người chơi từng tham gia một tựa MMORPG ngay khi nó vừa ra mắt, thì nạn lạm phát có thể nhìn thấy được rõ ngay từ lúc này. Họ sẽ để ý được rằng trong ngày đầu tiên, một món đồ có giá cực rẻ, và những ngày sau nó trở nên mắc hơn, cho đến khi chạm một mốc ổn định nào đó. Tình trạng này diễn ra khá chậm rãi nhưng chắc chắn, và giá cả không thật sự ảnh hưởng nhiều cho đến khi có những sự kiện mới trong game.

Nhưng xét về nguyên nhân gây ra sự lạm phát này, có thể chỉ ra hai yếu tố: việc tìm kiếm thị trường và luồng cung/ cầu. Lấy ví dụ như sau: có 10 người chơi và 100 đồng. Có 10 bình máu trong game, như vậy mỗi bình máu có giá 10 đồng (giả định ai cũng có quyền mua máu bình đẳng). Bây giờ, có thêm 100 đồng từ đâu ra không biết. Như vậy, vẫn chỉ 10 bình máu nhưng lại có 200 đồng, vì vậy giờ đây 1 bình máu sẽ có giá 20 đồng.

Như vậy, hẳn bạn đọc đã có cái nhìn đại khái về khái niệm “lạm phát” trong game rồi phải không?

Biện pháp chế tài

Các tựa game sẽ có biện pháp chế tài để chống lại nạn lạm phát, mà cụ thể là làm cách nào đó khiến tiền ảo “biến mất” khỏi thị trường. Có thể thấy bằng các phương pháp như người chơi chết và bị trừ tiền, mua các nhu yếu phẩm từ các cửa tiệm trong game, phí chi trả khi mua/ nâng cấp trang thiết bị…

Trong trường hợp này, sẽ dẫn đến thái cực đối nghịch với lạm phát, là sự thiếu hụt nguồn tiền lưu thông. Nếu lượng tiền chế tài tương đương với lượng tiền được “cày” ra, thì số thặng dư sẽ bằng 0 và dẫn đến kinh tế trở nên ổn định. Tuy vậy, sự cân bằng này thường bị phá vỡ bởi thế lực thứ ba: các “đầu nậu” chuyên bán tiền ảo.

Bán tiền ảo tạo nên lạm phát như thế nào





Với lưu lượng tiền hiện hành trở thành nguyên nhân khiến vật giá leo thang, chúng ta hãy thử xem qua các người chơi chuyên buôn tiền ảo và để ý chuyện gì sẽ xảy ra.

Người bán tiền ảo có 2 dạng, mặc dù cả 2 đều tạo ra cùng 1 kết quả: khiến luồng tiền ảo chuyển động. Đối với những người tự cày tiền, về cơ bản là họ sẽ tăng thêm lượng tiền kiếm được từ việc sử dụng bot/ auto để cày, không tiêu hao vật phẩm, chạy máy 24/7… và thu được lượng tiền nhiều hơn người bình thường hàng trăm lần.

Dạng thứ 2 là chuyên mua đi bán lại, và lợi dụng vào các thời điểm khác nhau để thu lợi nhuận chênh lệch.

Lượng tiền và nền kinh tế

Việc này dẫn đến tình trạng lượng tiền trong game tăng trưởng một cách chóng mặt – và nhanh hơn nhiều so với tình huống mà nhà phát triển game đã tính đến. Các tựa game được thiết kế dựa trên những chuẩn mực nhất định về kinh tế, và luồng tiền vượt trội này sẽ là gánh nặng cho cả hệ thống kinh tế.

Ví dụ, biện pháp chế tài được thiết lập để lấy đi khoảng 20% tiền của người chơi và chừa cho họ 80% để xoay sở chi tiêu. Giá của các vật phẩm khác được thiết kế dựa trên con số này. Và khi tiền thừa đổ vào trong game càng nhiều, giới hạn này sẽ bị phá vỡ.

Vì điều này, vật giá sẽ càng lúc càng tăng, cho đến một lúc nào đó những người mới tham gia chơi game sau này sẽ không thể mua được cái gì trừ phi cắm mặt cày tiền hoặc mua tiền về. Tình trạng này càng kéo dài, thì hệ thống càng suy sụp và càng khó giải quyết hơn nhiều.

Sự cân bằng lý tưởng





Lineage II đã từng là một tựa game rất khó khăn hơn hiện tại, sau nhiều bản cập nhật. Các biện pháp chế tài hoạt động hữu hiệu đến mức số tiền bị trừ đi còn nhiều hơn số có thể kiếm được, dẫn đến việc phải mua thêm tiền ảo là chuyện bình thường.

Trong quá khứ đã từng có nạn lạm phát xảy ra, nhưng một khi các vật phẩm mới được tung ra kèm các bản cập nhật, thì tình hình lại cân bằng. Nguyên nhân bởi vì thứ gì trong game này cũng có giá trị, và để có được một set đồ khủng sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền và nguyên liệu, thậm chí còn có tỉ lệ thất bại (mất hết tiền và nguyên liệu dùng để nâng cấp).

Bởi vì như vậy, tuy lực lượng cày tiền và bán tiền rất đông, nhưng họ cũng không thể gây ra sức ép gì lớn đến nền kinh tế trong game – và trên thực tế, họ lại là nhân tố cần thiết để điều tiết kinh tế.